Tuổi thơ của các em gắn chặt với những ngày tháng vật lộn trong môi trường phức tạp, nhiều cạm bẫy và tệ nạn xã hội. Để sinh tồn, ngày lại ngày các em phải đối mặt với những kẻ biến thái tà tâm và bị phường chăn dắt mạt sát, đánh đập…

By B.Kiều

Nguồn : CNND online – 26/03/2012

.

Nỗi niềm mưu sinh của những đứa trẻ phố Tây

.

Những đứa trẻ mưu sinh trong đêm và giấc ngủ bụi bờ sau đêm trường bị vắt xác.

Một lần theo chân những đứa trẻ lấy đêm làm ngày ở khu phố Tây (quận 1, TP Hồ Chí Minh), tôi cảm thấy đau lòng trước nghịch cảnh tương lai tối tăm của các em dưới những ánh đèn màu rực rỡ!

Khoảng 7h tối, khi ánh đèn đường bật sáng là lúc gần 20 đứa trẻ ở khu phố Tây xuất hiện và “dàn quân” khắp các con đường hợp thành khu phố của những ông Tây, bà đầm gồm đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện (quận 1, TP HCM)… Trong khi các bé gái trong bộ đồng phục học sinh cũ mèm mưu sinh bằng việc đeo bám những ông khách ngoại quốc nài ép họ mua hoa hồng tặng bạn, thì các bé trai trạc tuổi bán bưu thiếp, đậu phộng luộc, thuốc lá, kẹo xi-gum và thậm chí đấm lưng, bóp chân tay cho khách nếu họ có yêu cầu…

Mỗi đứa trẻ có độ tuổi, tên gọi, hoàn cảnh khác nhau nhưng nhìn chung em nào cũng gầy ốm, đen đúa, ánh mắt láo liên, đôi chân lanh lẹ, miệng không ngớt lời nói tiếng Tây bồi để tìm và mời khách.

Tại khu vực “ngã tư quốc tế” (đường Bùi Viện – Đề Thám), chúng tôi tiếp cận với một bé gái tên Duyên, mới 13 tuổi nhưng khuôn mặt già dặn, dáng vẻ lì lợm. Người phụ nữ bán bánh mì tên Lan ở góc đường Đề Thám – Phạm Ngũ Lão bỏ nhỏ rằng mẹ con bé tên Huyền, từng làm vũ nữ và Duyên là kết quả từ lối sống lang chạ, cặp Tây của mẹ. Có người nói con bé lai Mỹ, người nói lai Pháp…

Chị Lan thở dài, thương cảm: “Mẹ bị nhiễm HIV nên sức tàn lực kiệt. Bởi vậy con Duyên và thằng em mới chục tuổi đầu phải lăn lộn kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Thằng em ban ngày bán vé số, tối về đây bán thuốc lá, kẹo xi-gum. Hai đứa hay bị bọn nhóc cùng trang lứa bắt nạt vì chúng thân cô thế cô”.

Phố Tây càng về khuya càng náo nhiệt. Du khách ngoại quốc rất đông nên bọn trẻ hoạt động tất bật. Lúc này 11h đêm, thằng bé tên Tính, 12 tuổi, đang đứng bóp tay, đấm lưng cho một ông Tây cao to tại một quán nước gần tổ hợp bar-cà phê Go2 để vị khách ngoại này thương tình mua đồ, boa tiền.

Một lúc sau cu cậu ngồi lọt thỏm trong lòng ông khách nọ cười giỡn trong ánh nhìn ái ngại của không ít người. “Chuyện thường ngày mà” – bác tài chạy xe ôm tên Hải bỏ nhỏ: “Khách Tây sang xứ mình vui chơi có không ít kẻ bệnh hoạn thích lạm dụng trẻ em. Để bán được hàng và được “lì xì” hậu hĩnh, tụi nhỏ chẳng tỏ ra khó chịu trước những cử chỉ ôm ấp, vuốt ve thân thiện quá mức”.

Thấy chúng tôi đảo mắt về phía người phụ nữ tên Loan là mẹ thằng bé, bác tài trĩu giọng: “Tiếng là cha mẹ nhưng chị ta và không ít ông bố bà mẹ ở khu vực này chẳng quan tâm, xót thương gì bọn trẻ. Hôm nào sắp nhỏ bán không đủ sở hụi cho ba má để họ nhậu nhẹt, đánh bài, chơi số đề… sẽ bị bỏ đói, bị bạt tai không thương xót”.

Gần 1h sáng, tấm thân gầy còm của những đứa trẻ phố Tây nảy bật sau những cơn ho. Không ít khách thấy bọn trẻ mặc đồng phục học sinh thương các em vì hoàn cảnh khó khăn phải ngày học đêm làm mà mua hoa, cho tiền. Họ nào biết tiền ấy không giúp được gì cho bọn trẻ, mà trái lại vào tay những kẻ đối xử với con cái chẳng khác gì nô lệ lao động.

Như nhiều đứa trẻ mưu sinh trong đêm ở khu vực Hồ Con Rùa (quận 3), trong khi nhiều bạn bè đồng trang phải lứa sống hạnh phúc trong vòng tay ấm êm, chở che của mẹ cha thì những đứa trẻ ở khu phố Tây đầu tắt mặt tối với hành trình mưu sinh nơi đường phố đầy cạm bẫy và tệ nạn. Để rồi mai này chúng giẫm phải lối mòn của các thế hệ cha anh, con trai lớn lên một chút lao vào tệ nạn hút chích, trở thành phường đầu trộm đuôi cướp, con gái thì cặp Tây, dấn sâu vào các đường dây mại dâm. Để rồi tất cả đều kết thúc cuộc đời bằng những án tù và căn bệnh AIDS!

Liệu có phép màu nào thay đổi tương lai tăm tối của đám trẻ phố Tây lúc nửa đêm về sáng?!

.